Hòn Sơn Rái – hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là đảo Hòn Sơn. Nằm trên vịnh Hà Tiên, giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 55 km về phía Tây theo đường chim bay.
Ngày nay, nơi đây không đơn thuần chỉ là một địa danh, Hòn Sơn giờ là điểm đến du lịch, nơi được mọi người bán tán với mong muốn được ghé thăm cho mỗi lần nghỉ ngơi, thư giãn.
Xem thêm: thông tin du lịch đảo Hòn Sơn.
Thiên nhiên ưu đãi một Hòn Sơn hữu tình
Đảo Hòn Sơn hay còn có tên gọi khác là Lại Sơn hoặc Hòn Sơn Rái, là đơn vị xã thuộc huyện đảo Kiên Hải, nằm ở phía Tây tỉnh Kiên Giang. Hòn Sơn nằm giữa xã đảo Hòn Tre và xã đảo Nam Du, cách thành phố Rạch Giá 55km. Xã đảo tới nay có 4 ấp : Ấp Bãi Nhà A, Ấp Bãi Nhà B, Ấp Thiên Tuế và Ấp Bãi Bấc.
Thềm lục địa biển không sâu (xấp xỉ 60m) nên Hòn Sơn đã được tỉnh Kiên Giang ưu ái đầu tư đường dây điện lưới quốc gia. Toàn bộ địa hình Hòn Sơn ở dạng núi đảo trong đó 70% là đá gốc với đỉnh Ma Thiên Lãnh có độ cao so với mực nước biển là 405m. Từ đỉnh núi hướng thẳng về hướng Đông là nơi đón mặt trời mọc trên biển tuyệt đẹp, một trong những địa danh không thể không tới khi ghé thăm đảo.
Khí hậu Đảo Hòn Sơn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mang đặc tính chung của khu vực Tây Nam Bộ, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mỗi mùa đều mang đến một vẻ đẹp rất riêng cùng sự phong phú của trái cây, hoa dại và các loài thủy hải sản.
Sóng biển ở Đảo Hòn Sơn chủ yếu là sóng gió do thềm lục địa không sâu. Thông thường độ cao sóng ngoài khơi trung bình cao 1-2m, mùa gió mạnh nhất sóng đạt độ cao 4m. Vào mùa khô (tháng 9 tới tháng 5), biển êm ả với bốn bãi tắm cát dài thoai thoải bên những hàng dừa nghiêng nghiêng. Địa hình tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đánh bắt, thu mua và nuôi các loại thủy hải sản thành làng bè nổi kết hơp phục vụ du lịch trên biển cho du khách.
Đây là vùng biển kín ít xảy ra bão tố và áp thấp nhiệt đới, trong lịch sử mấy chục năm trở lại đây có cơn bão số 5 vào tháng 11/1997 là cơn bão lớn gây thiệt hại về người và tải sản nặng nhất tại Hòn Sơn.
Tình hình xã hội và nét văn hóa người dân
Đảo Hòn Sơn là đơn vị xã đảo có UBND xã, trường học, trung tâm y tế, và Đồn Biên Phòng. Sự phối kết hợp các đoàn thể với nhau và với người dân tạo nên một Hòn Sơn an toàn về an ninh và bình ổn giá cả, xu hướng phát triển bền vững.
Trên đảo hiện chưa có ngân hàng nên du khách khi tới đây du lịch cần chú ý chuẩn bị tiền mặt để tránh gặp rắc rối. Ngoài ra có một số cơ sở doanh nghiệp tư nhân nhận chuyển đổi tiền qua hình thức chuyển khoản và thu phí.
Khu dân cư từ xa xưa bám theo các eo biển khuất gió mà sinh sống, cho tới nay đảo có hai cầu cảng thuận tiện cho việc giao thông với đất liền. Cầu cảng chính dành cho tàu cao tốc chuyên chở khách thuộc bãi Nhà, nơi tập trung chợ, các quán cafe và nhà nghỉ. Đường xuyên đảo nối từ cầu cảng bãi Nhà tới cầu cảng bãi Bấc dài 4km cắt ngang dãy núi qua mặt bên kia đảo là một cung đường quanh co trên cao. Đây là đoạn đường hầu như chưa có dân cư sống ở hai bên, là nơi ngắm cảnh tuyệt vời với view toàn bộ xuống khu dân cư và phóng tầm mắt ra biển. Cả người dân và du khách đều ưa thích đi hóng gió trên cung đường này với những rặng dừa xanh mướt, vách đá cao sừng sững và đặc biệt mùa khô cỏ lau vàng nhuộm hai bên đường.
Là hòn đảo nhỏ với tổng diện tích 11km2, đường ven biển bao quanh xấp xỉ 17km nên người dân phần lớn là họ hàng, đoàn kết và hiền lành. Trước khi phát triển du lịch trong một năm rưỡi trở lại đây thì nghề chính của cư dân là đi biển và làm rẫy. Hình thành làng nghề chài (đóng tàu, đan lưới, khô tôm cá mực, mua bán hải sản tươi…), các cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng xuất đi thị trường cả nước.
Nghề đóng tàu và làm khô của ngư dân đảo hiện vẫn còn lưu truyền
Đến với đảo Hòn Sơn ngoài khám phá thiên nhiên rừng núi và biển cả, khách du lịch có thể ghé thăm các cơ sở thờ tự tâm linh đậm chất của người dân ở đây :
- Lăng Dinh Ông Nam Hải (Lễ hội Nghinh Ông – Cá Ông từ 15/10 âm lịch với nhiều hoạt động như đua thuyền, trang trí tàu bè, văn nghệ, thể thao và lễ chính tại Lăng).
- Miếu Bà Cố Chủ (9/9 âm lịch, lễ hội lớn và thu hút cả dân các đảo lân cận cũng như đất liền, tương truyền Miếu Bà rất thiêng).
- Đình Thần ông Nguyễn (thờ Nguyễn Trung Trực,hội lớn tổ chức 3 ngày vào rằm tháng Giêng )
- Chùa Hải Sơn (cạnh Đình Thần và chợ, ngôi chùa yên tĩnh và giản dị, nơi Phật tử cả đảo hướng tâm về Phật ) , Phật Lộ Thiên và Chùa Phổ Tịnh (trên đường lên đỉnh núi Ma Thiên Lãnh)
- Thánh thất Cao Đài (Mũi nhô ra nhìn về phía cầu cảng, là góc ngắm cảnh đảo rất đẹp)
- Miếu Bà Chúa Xứ (Bãi Bấc)
Thông tin thêm về đảo Hòn Sơn
Đánh bắt hải sản là nghề chính của người dân nơi đây. Ngoài ra còn có đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực khô và các cơ sở sản xuất nước mắm …
Hòn Sơn, có các địa danh tâm linh là những nơi thờ tự như Đình Thần Lại Sơn, Miếu Bà Cố Chủ, Thánh thất Cao Đài, chùa Hải Sơn…
Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau, Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi cao nhất với độ cao khoảng 450 m so với mặt nước biển, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên gọi là Sân Tiên.
Hòn Sơn còn có 5 bãi biển và 1 ghềnh đá hoang sơ, trong đó Bãi Bàng có phong cảnh đẹp nhất, nhiều cây dừa nghiêng phủ bóng mát xuống bãi cát trắng, bãi biển hoang vắng và êm đềm.
Suối Tiên là dòng suối duy nhất nước trong vắt chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống ngay Bãi Bàng là nguốn nước ngọt quý báu cho người dân trên đảo.